Khoa Ngoại

Hưởng ứng ngày đái tháo đường thế giới 14/11 – Nâng cao nhận thức toàn cầu về bệnh đái tháo đường

Đái tháo đường là tình trạng tăng đường huyết mạn tính đặc trưng bởi tình trạng rối loạn chuyển hóa cacbonhydat,  kèm theo các rối loạn chuyển hóa lipid, protein do giảm tương đối hoặc tuyệt đối tác dụng sinh học của insulin  hoặc tiết insulin.

         Bệnh đái tháo đường đang ngày càng gia tăng trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Đái tháo đường không chỉ là vấn nạn với người lớn tuổi mà đang gia tăng gần đây ở người trẻ tuổi.Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hiện nay trên thế giới có khoảng 350 triệu người mắc bệnh đái tháo đường và ước tính đến năm 2030 con số này có khả  năng tăng gấp đôi nếu không có biện pháp can thiệp. Gần 80% các  trường hợp tử  vong do đái tháo đường là ở các quốc gia thu nhập thấp và trung bình. Được tách ra từ khoa Nội tiết  Tim mạch năm 2010, hiện nay , Khoa Nội tiết  Đái tháo đường – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ với 4 phòng khám và cấp thuốc ngoại trú, đang quản lý trên 3.000 người bệnh đái tháo đường chủ yếu trên địa bàn thành phố Việt Trì và một số người bệnh từ các huyện có biến chứng phức tạp. Tại đây, người bệnh đái tháo đường được các bác sỹ khám, điều trị, tư vấn về chế độ dinh dưỡng, luyện tập giúp phòng ngừa các biến chứng. Câu lạc bộ Đái tháo đường – Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ được thành lập ngày 27/3/2014 dành cho người bệnh đái tháo đường, tới nay câu lạc bộ có hơn 500 hội viên. Khoa Nội tiết đái tháo đường có vai trò quan trọng trong việc duy trì hoạt động thường xuyên của Câu lạc bộ, giúp cho người bệnh  được trao đổi, nâng cao kiến thức về bệnh đái tháo đường và có dịp giao lưu văn hóa văn nghệ, nâng cao chất lượng  cuộc sống.

         Ths. Bs Lê Na  Trưởng khoa Nội tiết – Đái tháo đường cho biết, bệnh đái tháo đường được chia thành 4 nhóm, đó là đái tháo đường type 1, đái tháo đường  type 2, đái tháo đường thai kỳ và đái tháo đường đặc biệt (do bệnh lý tụy, do thuốc, do bệnh lý nội tiết…). Đái tháo đương type 1 do các tế bào beta tuyến tụy bị phá hủy bởi chất trung gian miễn dịch dẫn tới thiếu insulin tuyệt đối. Bệnh tiến triển nhanh, gặp ở người trẻ < 30 tuổi với các biểu hiện rầm rộ: khát nhiều, uống nhiều, sút cân, mệt mỏi. Điều trị bắt buộc bằng insulin. Đái tháo đường type 2 chiếm 90 – 95%.  Đái tháo đường ở người lớn tuổi > 30, bệnh có tính chất gia đình. Đặc trưng của đái tháo đường type 2 là tình trạng kháng insulin đi kèm thiếu hụt insulin tương đối. Đái tháo đường type 2 thường diễn biến âm thầm, thường phát hiện muộn, phần lớn người bệnh đến khám  là do các biến chứng của đái tháo đường như nhìn mờ, tê bì chân, vết loét lâu liền,… Đến giai đoạn có các biểu hiện khát nước, tiểu nhiều, gầy sút cân thì phần lớn người bệnh đã có nhiều biến chứng kèm theo.

Biến chứng của đái tháo đường được chia thành biến chứng mạn tính và biến chứng cấp tính. Biến chứng cấp tính như hôn mê tăng áp lực thẩm thấu, toan ceton do tăng đường máu, hôn mê do hạ đường máu.

 Biến chứng của bệnh Đái tháo đường (Ảnh minh họa)

Biến chứng mạn tính như tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa lipid. Rối loạn chuyển hóa Lipid là nguyên nhân gây ra xơ vữa mạch máu. Nồng độ đường trong máu tăng cao và sự dao động lượng đường máu là yếu tố chính gây ra tổn thương các mạch máu nhỏ.  Do tổn thương các mạch máu nhỏ sẽ gây ra các biến chứng về thần kinh thực vật (tụt huyết áp, đổ mồ hôi, nôn, buồn nôn, tiểu tiện không tự chủ, đại tiện táo hoặc lỏng, lãnh cảm, rối loạn chức năng sinh dục…); thần kinh ngoại vi (người bệnh có cảm giác kiến bò, tê, bỏng rát… thường bị ở chân và tay); bệnh lý về võng mạc (xuất tiết, xuất huyết võng mạc… có thể gây giảm thị lực và dẫn đến mù); bệnh lý cầu thận, bệnh lý bàn chân … Ngoài ra, đái tháo đường gây biến chứng bệnh mạch vành, 75% người bệnh  đái tháo đường mắc bệnh lý mạch vành. Nguy cơ tử vong do bệnh mạch vành ở bệnh nhân đái tháo đường cao gấp 4 lần so với người bị bệnh mạch vành không kèm theo đái tháo đường. Bệnh có liên quan đến rối loạn chuyển hóa Lipid và các mảng xơ vữa động mạch. Ngoài ra, còn dẫn đến suy tim, tai biến mạch máu não, một số biến chứng ngoài da (mụn nhọt, ngứa, nấm da…), hô hấp (viêm phổi, phế quản do bội nhiễm) …

Yếu tố nguy cơ của đái tháo đường type 2 là thừa cân, béo phì, tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa lipid, trực hệ có người bị đái tháo đường,  tiền sử có đái tháo đường thai kỳ, phụ nữ sinh con > 4 kg,…

Do bệnh có tính chất mạn tính và có thể gây nhiều biến chứng, người bệnh nên phối hợp chặt chẽ với thầy thuốc chuyên khoa để kiểm soát tốt đường máu giúp ngăn ngừa biến chứng. Ngoài ra, người bệnh cần thay đổi chế độ ăn uống, hạn chế thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm đóng hộp; hạn chế ăn đồ ngọt như: bánh kẹo, trái cây đóng hộp, trái cây ngọt; hạn chế ăn tinh bột; không ăn mặn; hạn chế uống rượu, bia; không hút thuốc lá; tăng cường vận động, thể dục thể thao phù hợp với sức khỏe, kiểm soát cân nặng, tránh béo phì.

Để phòng tránh bệnh đái tháo đường, mỗi chúng ta cần kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng/ lần; kiểm soát cân nặng tránh béo phì; không hút thuốc lá; có chế độ ăn uống khoa học: ăn ít chất béo, hạn chế tinh bột, ăn nhiều rau xanh, trái cây, chất xơ; tăng cường luyện tập thể dục, thể thao …/.