Khoa nhi

TIÊU CHẢY CẤP Ở TRẺ EM

TIÊU CHẢY CẤP Ở TRẺ EM NGUYÊN NHÂN VÀ CÁCH ĐIỀU TRỊ

Kết quả hình ảnh cho tiêu chảy cấp ở trẻ em

Tiêu chảy là một bệnh lí rất thường gặp ở trẻ em. Tiêu chảy cấp được định nghĩa là đi tiêu ra phân lỏng > 3 lần/ ngày.

Tiêu chảy có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, nhất là khi trẻ còn quá nhỏ: có khoảng 80% trường hợp tử vong do tiêu chảy xảy ra ở nhóm trẻ dưới 2 tuổi. Nguyên nhân chính gây tử vong của tiêu chảy cấp là do mất nước và điện giải. Tiêu chảy cũng là nguyên nhân hàng đầu gây suy dinh dưỡng. Khi bị tiêu chảy bệnh nhi ăn ít đi trong và khả năng hấp thu các chất dinh dưỡng bị giảm, trong khi đó nhu cầu dinh dưỡng lại tăng do nhiễm trùng. Thói quen kiêng cử khi bị tiêu chảy góp phần làm tình trạng suy dinh dưỡng nặng thêm.

Nguyên nhân gây tiêu chảy có thể là do siêu vi hoặc vi khuẩn. Các tác nhân gây bệnh này th­ường lây lan bằng đường phân miệng. Đa số tiêu chảy xảy ra trong 2 năm đầu đời, cao nhất là ở trẻ 6-11 tháng tuổi, khi trẻ mới tập ăn dặm, tập bò. Trẻ bị suy dinh d­ưỡng dể mắc tiêu chảy các đợt tiêu chảy kéo dài hơn dễ bị tử vong hơn, nhất là những trẻ bị suy dinh dưỡng nặng.

Các phụ huynh có trẻ bị tiêu chảy cần chú ý cung cấp thông tin về các triệu chứng sau khi khai bệnh cho bác sĩ:

  • Trẻ có sốt hay không?
  • Tính chất phân: phân lỏng như nước/ phân sệt, phân màu gì, có nhầy máu không, số lần đi/ ngày, lượng phân/ lần.
  • Tình trạng đi tiểu của bé
  • Tình trạng uống nước, bú sữa của bé
  • Các triệu chứng khác đi kèm: ói, đau bụng, quấy khóc bất thường…

Bác sĩ có thể yêu cầu làm một số xét nghiệm khi trẻ bị tiêu chảy như xét nghiệm máu, soi phân, siêu âm bụng. Các xét nghiệm ban đầu thường đơn giản, rẻ tiền và có kết quả nhanh chóng.

Điều trị tiêu chảy tùy thuộc vào nguyên ngân. Nếu nghi tiêu chảy nhiễm trùng, bác sĩ sẽ cho dùng kháng sinh uống hoặc chích tùy mức độ bệnh. Tất cả các loại tiêu chảy đều cần bù nước đúng cách và bổ sung kẽm cho trẻ. Loại nước bù tại nhà là gói ORS pha nước có bán phổ biến tại các nhà thuốc. Lượng nước ORS cần uống vào khoảng 100 ml ở trẻ < 10kg và 200 ml ở trẻ > 10 kg. Cách nuôi dưỡng trẻ cũng rất quan trọng để đảm bảo sức khỏe của bé trong đợt tiêu chảy. Trẻ bú mẹ hoặc bú sữa bò thì vẫn tiếp tục bú bình thường. Trẻ đã ăn được thì cho trẻ ăn thức ăn giàu dinh dưỡng, nấu chín, dể tiêu chia thành nhiều bữa nhỏ trong ngày. Bên cạnh đó, các phụ huynh cũng cần đánh giá tình trạng mất nước thường xuyên bằng cách chú ý các dấu hiệu gợi ý có mất nước như sau:

  • Bé sụt cân
  • Trẻ li bì, vật vã, kích thích.
  • Mắt trũng, hoặc khô, khóc không có nước mắt
  • Trẻ khát, uống háo hức, không uống được nước hoặc uống kém.
  • Môi và lưỡi khô
  • Thóp trước lõm hơn bình thường
  • Số lượng nước tiểu của bé ít đi (có thể đánh giá gián tiếp qua số lượng tã sử dụng ở trẻ nhỏ)

Để phòng ngừa bệnh tiêu chày, các gia đình cần cố gắng duy trì nuôi con bằng sữa mẹ càng lâu càng tốt, có thể cho bú đến lúc trẻ 18-24 tháng tuổi. Ngoài ra phụ huynh cũng cần đảm bảo vệ sinh khi chăm sóc trẻ: dùng nguồn nước sạch cho vệ sinh và ăn uống, rửa tay sạch bằng xà phòng trước khi làm thức ăn và sau khi đi tiêu tiểu/ làm vệ sinh cho bé. Việc tiêm phòng cũng rất quan trọng, nhất là tiêm phòng sởi (trẻ > 9 tháng tuổi) và tiêm phòng Rotavirus (trẻ > 2 tháng tuổi). Trẻ em mắc sởi dễ bị tiêu chảy, mắc lỵ nặng, dễ bị tử vong. Tiêm vắc xin sởi có thể phòng ngừa được 25% tử vong liên quan đến tiêu chảy của trẻ < 5 tuổi.